a
TRƯỜNG THCS LINH TRUNG
a
Giới thiệu sách mới tháng 02/2015 : " Ngô Chí Quốc - khí phách lẫm liệt"

Giới thiệu sách mới tháng 02/2015 : " Ngô Chí Quốc - khí phách lẫm liệt"

  • 29/01/2015
Ngô Chí Quốc sinh năm 1929, dân tộc Kinh, quê ở xã Hiệp Bình, huyện Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, nhập ngũ tháng 3 năm 1946. Khi hy sinh đồng chí là tiểu đội phó trinh sát tiểu đoàn 303, đại đoàn 330, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Sinh trưởng trong một gia đình đánh cá nghèo. Ngô Chí Quốc bơi lặn rất giỏi. Qua 9 năm tháng gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ, đồng chí đã tham gia đánh trên 100 trận, cùng đơn vị diệt 941 tên địch, bắt sống 38 tên, thu 231 súng các loại. Trận nào Ngô Chí Quốc cũng nêu cao tinh thần dũng cảm, kiên quyết tiến công tiêu diệt địch, xứng đáng là lá cờ đầu của toàn đơn vị. Cuối năm 1946, Ngô Chí Quốc đã cùng 2 người nữa dùng thuyền nhỏ giả làm thuyền buôn tiến sát chiếc tàu tuần tiễu của địch đậu gần xưởng Ba Son (sông Sài Gòn), trinh sát và tìm cách lên tàu lấy súng. Lợi dụng đêm tối, Ngô Chí Quốc để 2 người ở lại giữ thuyền, còn mình buộc dây lần đến mạn tàu rồi táo bạo trèo vào tàu, ba lần vào ra, lấy được 1 đại liên, 1 nòng pháo 20 ly, 2.000 viên đạn và 2 hòm lựu đạn trở về an toàn. Năm 1947, Ngô Chí Quốc nhận nhiệm vụ lặn tìm súng đạn của Nhật trước đây đổ xuống đoạn sông Bình Lợi, Thị Nghè. Hơn 6 tháng len lỏi trong lòng địch, vượt qua bao khó khăn, lặn lội sâu quá, máu chảy ra tai, đồng chí vẫn kiên trì tìm kiếm, mò được 1 khẩu 12 ly 7, 7 khẩu súng trường, 40.000 viên đạn các cỡ về trang bị cho đơn vị, góp phần giải quyết một khó khăn lớn về nạn thiếu vũ khí của bộ đội ta lúc đó. Trận đánh đồn Lái Thiêu tháng 3 năm 1949, đồng chí phụ trách một mũi, vượt qua nhiều lớp rào và tốp lính tuần tra vào đặt bộc phá sát lỗ châu mai. Khi có lệnh nổ súng, đồng chí giật bộc phá đánh sập một lô cốt rồi nhanh chóng phát triển vào bên trong. Địch chui xuống hầm cố thủ chống cự mạnh, đồng chí dùng lưu đạn diệt gọn 2 tiểu đội, cùng với đơn vị tiêu diệt đồn này. Trong trận Cầu Đinh (tháng 4 năm 1952) Ngô Chí Quốc bị thương nặng chưa kịp ra, địch bắt được tra tấn dã man, chết đi sống lại, đồng chí vẫn không khai, luôn luôn tìm cách vượt ngục. Vượt lần thứ nhất bị lộ, Ngô Chí Quốc dũng cảm đứng lên nhận tất cả trách nhiệm, chịu đòn thay cho anh em. Lần thứ hai, nhân lúc trời bão, đồng chí đã đưa được 7 cán bộ cùng thoát về đơn vị an toàn. Trận Cầu Đinh lần thứ hai (tháng 3 năm 1954), ở đây địch bố trí một đại đội có công sự kiên cố, chúng cho là nơi bất khả xâm phạm và thường tung tin thách bộ đội ta vào đánh. Ngô Chí Quốc chỉ huy tiểu đội bộc phá đánh vào đến hàng rào thứ 3 thì bộc phá hết, vẫn còn vướng 2 khung hàng rào mái nhà nữa. Đồng chí liền bò lên dùng kéo cắt một đầu rào rồi nhanh nhẹn xông lên kéo tung hàng rào ra cho bộ đội tiến vào. Địch bắn mạnh ra đường mở, đồng chí bị thương nặng ngã xuống, xung kích vẫn chưa vào được. Trước hỏa lực ác liệt của địch, Ngô Chí Quốc giao súng cho đồng chí khác rồi lăn chếch sang hướng khác (xa đội hình tiến công của đơn vị) và hô lớn: Xung phong! Địch tưởng ta chuyển hướng nên tập trung hỏa lực bắn về phía đó. Ngô Chí Quốc đã anh dũng hy sinh, nhưng đơn vị đã tiến vào tiêu diệt được toàn bộ đồn này. Ngô Chí Quốc đã được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng nhất, 12 lần được tiểu đoàn và trung đoàn khen và được bầu là Chiến sĩ thi đua của toàn đơn vị. Ngày 7 tháng 5 năm 1956, Ngô Chí Quốc được Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa truy tặng Huân chương Quân công hạng nhì và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tên của Anh đặt đặt cho tên một trường THCS và tên một con đường ở Quận Thủ Đức.